Hình ảnh về Cầu Long Biên

Cầu Long Biên

Cầu Long Biên, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, Vietnam
Cách 7km từ trung tâm - Xem điểm lân cận
Giờ mở cửa: Luôn mở cửa
Giá vé: Miễn phí Mua vé Online giá rẻ tại Klook
Loại địa điểm:

Thông tin tổng quát

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng, đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị đánh bom nhiều lần. Các nhịp bị đánh đổ đã được thay bằng các loại dầm bán vĩnh cửu có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ mới (dùng móng cọc). Sau khi có cầu Chương Dương, cầu Long Biên chỉ dành cho đường sắt, đường xe thô sơ và đường bộ.

Cây cầu do thực dân Pháp xây dựng với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất, và phục vụ việc đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc kỳ. Chính vì vậy mà cây cầu đã được xây dựng bằng rất nhiều xương máu của người Việt Nam. Và ngày hôm nay, cây cầu còn đứng vững cũng là nhờ vào công sức bảo vệ, giữ gìn của những người Việt Nam yêu nước. Cầu Long Biên đã cùng người dân thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cầu Long Biên là chứng nhân của lịch sử và bản thân Long Biên cũng lại trở thành lịch sử.Hiện nay, nhiều người vẫn lầm tưởng kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel, cha đẻ của tháp Eiffel ở Paris, là tác giả cầu Long Biên nhưng theo những tài liệu còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (gồm: hồ sơ đấu thầu, nghị định của Toàn quyền Đông Dương chọn Công ty Daydé & Pillié làm nhà thầu chính thức và nhất là các bản thiết kế cầu đều có chữ ký của Công ty Daydé & Pillié) cũng như tấm biển gắn ở đầu cầu bờ nam đúc nổi có tên hãng Daydé & Pillié cho phép khẳng định rằng Daydé & Pillié chính là tác giả thiết kế và xây dựng cầu Long Biên. Thực ra, Công ty xây dựng Levalois Perret của Eiffel cũng gửi mẫu tham gia nhưng bị loại ngay vòng đầu tiên. Đồ án của Daydé & Pillié được thông qua bao gồm một cây cầu bằng thép trên các mố và trụ bằng đá xây có tổng chiều dài 2.500m. Cầu bao gồm 19 nhịp, đặt trên 20 trụ, trụ sâu nhất là 30m và nông nhất là 13,5m. Dự tính kinh phí khoảng 6 triệu franc. Để đối phó với sự hung dữ của sông Hồng, Công ty Daydé & Pillié phải tổ chức xây dựng rất khoa học. Trong suốt mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 10) công trường hoàn toàn ngừng hoạt động. Vì thế, 3.000 công nhân người bản xứ và một đội ngũ khoảng 40 giám đốc, kỹ sư, đốc công người Pháp phải làm việc rất khẩn trương trong những tháng còn lại của năm để bảo đảm chất lượng công trình. Việc thi công những bệ đỡ cho cầu sắt lúc đó vấp phải khó khăn chưa từng thấy. Toàn bộ những mố đá, những trụ giữa dòng sông, nền móng phải thi công bằng phương pháp khí nén. Công việc cực nhọc và vô cùng nguy hiểm. Chính Doumer kể trong hồi ký của mình rằng, công nhân người Việt được đưa vào những lồng sắt thả xuống lòng sông để đào móng sâu dần xuống đất. Thợ làm việc liên tục bốn giờ bằng không khí nén trong lồng mới thay ca khác.

Không gặp khó khăn về tài chính lại tổ chức thi công tốt, nên chỉ sau 3 năm 9 tháng thi công đầy cực nhọc và nguy hiểm, Daydé & Pillié đã hoàn thành công trình (dù thời hạn qui định dành cho nó là 5 năm).Một ngày cuối tháng 2-1902, chuyến xe lửa xuất phát từ ga Hàng Cỏ đưa vua Thành Thái, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, nhà vua Malaysia, Hoàng gia Campuchia, Đô trưởng Viêng Chăn (Lào) tới làm lễ khánh thành cầu trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bản xứ. Báo chí mô tả: “Cây cầu như con rồng xanh bắc ngang qua dòng nước; như dải cầu vồng đỡ lấy bầu trời, ngắm nhìn mà hoa cả mắt không sao kể xiết được. Từ đây, nhân dân qua lại, bách vật thông thương không còn xa cách”. Còn Toàn quyền Doumer viết: “Đây là thành quả của đội ngũ kỹ sư, đốc công, tổ trưởng người Pháp và công nhân địa phương. Chính nhờ lực lượng lao động Á châu, gồm người Việt được một số người Hoa hỗ trợ, mà mọi việc, từ xây dựng đến lắp ráp phần sắt, đã được hoàn thành”.Vào thời điểm đó, cầu là niềm tự hào của cả xứ Đông Dương thuộc địa. Người Pháp ca ngợi đó là “chiếc cầu nối liền hai thế kỷ”. Hình dáng nhấp nhô của cây cầu phản ánh sơ đồ chịu lực của một dầm liên tục đặt trên nhiều gối tựa trung gian. Cùng với việc khánh thành cầu, bằng Nghị định số 953 ngày 28-3-1902, Toàn quyền Đông Dương đã chính thức cho phép tuyến đường sắt từ Hà Nội đi biên giới Việt - Trung, đoạn Hà Nội - Gia Lâm được đưa vào khai thác từ ngày 8-4-1902.

Ban đầu, cầu mang tên Paul Doumer nhưng nhân dân ta thường gọi đó là cầu Sông Cái hoặc cầu sông Hồng. Cầu chủ yếu dành cho xe lửa, hai bên có đường cho người đi bộ và một vài loại xe thô sơ khi đó. Phải đến những năm 20 của thế kỷ trước, khi ôtô đã du nhập và ngày càng phổ biến hơn thì con đường hai bên mới mở rộng như khuôn khổ hiện nay. Sau ngày Hà Nội được giải phóng, cầu được đổi tên là cầu Long Biên.Cầu Long Biên đã trở thành một nhân tố thúc đẩy đô thị Hà Nội phát triển một cách đột biến. Dân số trở nên đông đúc, nhu cầu đi lại, thông thương của dân chúng không còn gặp khó khăn khi phải vượt qua sông Hồng trong mùa mưa lũ.

Khi cả Hà Nội mới có duy nhất cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, mọi phương tiện ôtô, tàu hỏa, xe máy, xe thô sơ, khách bộ hành đều đi chung trên cây cầu này.

Chiến tranh liên miên, cầu Long Biên trở thành huyết mạch chiến lược giao thông phải oằn mình chịu những tàn phá của chiến tranh. Chiếc cầu này đã từng bị nghiêng vì những dòng chiến xa thực dân điều quân từ trong thành phố sang sân bay Gia Lâm để tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ. Rồi vào những ngày thu năm 1954, cầu Long Biên lại chứng kiến cảnh đoàn quân viễn chinh thực dân rút khỏi Hà Nội ra đường 5 để xuống tàu ở cảng Hải Phòng và ở chiều ngược lại, những đoàn quân chiến thắng ở chiến khu về giải phóng Thủ đô.

Khi chiếc cầu sắp bước vào tuổi 70 lại chính là lúc nó phải chịu đựng những thử thách khốc liệt nhất. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ (1965 - 1972), cầu Long Biên bị ném bom 14 lần. Dù mang trên mình không ít ký ức đau thương nhưng suốt những năm tháng khốc liệt ấy, cây cầu đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh phi thường của những người ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Đối với các chiến sĩ, bảo vệ cầu Long Biên là một nhiệm vụ thiêng liêng. Nhiều trận đánh dữ dội diễn ra, máu của bao chiến sĩ ngã xuống để cầu Long Biên được đứng vững.

Hòa bình lập lại, chiếc cầu già nua đầy mình thương tích. Nó tiếp tục oằn mình chịu đựng sức nặng ngày càng tăng với sự phát triển của Thủ đô và đất nước cho đến khi hai chiếc cầu mới là Thăng Long và Chương Dương hoàn thành. Do xuống cấp, những năm cuối thế kỷ XX, cầu Long Biên chỉ sử dụng cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Cuối năm 2005, xe máy lại được cho phép đi qua cầu Long Biên để giảm việc ùn tắc giao thông cho cầu Chương Dương.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, trên từng thanh sắt đã rỉ màu thời gian của cây cầu, những giá trị của quá khứ hào hùng và bi tráng của Hà Nội vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu.

Hà Nội hiện có nhiều cầu lớn bắc qua sông Hồng. Tuy đã rút về vị trí khiêm nhường nhưng cầu Long Biên vẫn là cây cầu gắn liền với ký ức người dân như một chứng nhân lịch sử. Nó là viện bảo tàng sống động, gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô trong suốt thế kỷ XX.

Điểm đến liên quan

Chùa Một Cột
Chùa Một Cột
Chùa Một Cột, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, Vietnam
Cách 3.5km từ trung tâm
Cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội
28A Điện Biên Phủ, Điện Bàn, Ba Đình, Hà Nội, Vietnam
Cách 2.3km từ trung tâm
Ga Hà Nội
Ga Hà Nội
Văn Miếu, Đống Đa, Hanoi, Vietnam
Cách 2.2km từ trung tâm

Khách sạn giá rẻ tại Cầu Long Biên

Dưới đây là danh sách khách sạn giá rẻ bạn có thể ở. Xem tất cả