Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh 70km về phía Tây bắc. Địa đạo là kỳ quan trải dài hơn 200km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện. Hệ thống này được bắt đầu xây dựng từ cuối những năm 1940 và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sử dụng để tấn công Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân 1968...
Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm …
Những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, quân và dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt.
Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và nhân dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân đội Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”
Để đào được hệ thống địa đạo Củ Chi hoàn chỉnh là công sức hơn 20 năm của nhiều thế hệ. Mỗi tổ đào hầm có từ 3 đến 4 người. Một người đào và một người kéo đất từ trong hầm ra và đem đi đổ. Hệ thống này được xây dựng từ cuối những năm 1940 và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sử dụng trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá từ các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Khi các tổ đào đã thông được địa đạo với nhau, giếng đào được đặt một cây tre làm ống thống hơi, giếng đào được lấp đi và ống thông hơi được ngụy trang dưới tổ mối hoặc gốc cây mục ruỗng… Nhiều trường hợp lính Mỹ phát hiện ra địa đạo nhờ sử dụng chó săn, các chiến sỹ du kích Củ Chi đã thông minh và khéo léo đối phó lại bằng cách sử dụng quần áo Mỹ hay hạt tiêu xay nhỏ để vô hiệu hóa khứu giác của chó săn
Đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Thiết kế cửa hầm địa đạo kiểu nhỏ và hẹp này chỉ phù hợp với người Việt Nam. Lính Mỹ có vóc dáng cao to xuống thường gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống này có đầy đủ các phòng chức năng từ phòng chỉ huy, phòng nghỉ ngơi, kho vũ khí, bệnh xá...
Du khách sẽ được trải nghiệm những phút giây đáng nhớ trong hành trình khám phá địa đạo Củ Chi khi phải len lỏi qua những đường hầm nóng, tối cùng cảm giác ngột ngạt và khó thở.
Có dịp đặt chân tới đây, du khách sẽ hiểu hơn về cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng đầy vẻ vang của quân dân Củ Chi nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.