Ẩn mình giữa lưng chừng núi, với phong cảnh sơn thủy hữu tình, động Am Tiên thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư đang là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa bởi vẻ đẹp tựa “Tuyệt tình cốc” trong bộ phim kiếm hiệp nổi tiếng “Thần điêu đại hiệp”. Tương truyền đây là nơi vua Đinh Tiên Hoàng từng xây pháp trường trừng trị kẻ có tội và cũng là nơi Thái hậu Dương Vân Nga xuất gia tu hành những năm tháng cuối đời.
Động Am Tiên nằm trong dãy núi Ngũ Phong Sơn gồm có 5 ngọn chầu về lăng vua Đinh Tiên Hoàng và lăng vua Lê Đại Hành ở núi Mã Yên. Phần lớn khu vực động Am Tiên là thung lũng ngập nước, được bao bọc xung quanh bởi vách núi đá, không gian tĩnh mịch, tạo ra một thế giới riêng biệt. Trước đây đường đi đến động khá hiểm trở, phải leo hơn 200 bậc đá qua vách núi nhưng hiện nay đã có đường hầm xuyên núi vào động, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách thập phương tham quan di tích. Từ xa, động có hình dạng giống như miệng con rồng nên còn được gọi là hang Rồng. Nơi đây phong cảnh núi non sông nước hùng vĩ, hoang sơ. Dưới chân núi là hồ nước xanh ngắt, nhìn thấu rong rêu mà dân gian gọi là Ao Giải. Các loài tảo, sinh vật nước phát triển mạnh mẽ, càng làm khung cảnh thêm huyền bí và thơ mộng. Trong động nhiều nhũ đá mang tạo hình của mẹ thiên nhiên với những cây thóc, cây tiền, trái phật thủ, nụ hoa sen rủ xuống cùng những giọt nước.
Giống như nhiều chùa hang trên đất Ninh Bình, hang chính của động Am Tiên là chùa thờ Phật và thờ thiền sư Nguyễn Minh Không. Đây còn là nơi thờ các vị danh nhân thời Đinh cùng thái hậu Dương Vân Nga. Tương truyền, vào thế kỷ X, với địa thế hiểm trở nằm lưng chừng núi, xung quanh là đầm sâu, vực thẳm, vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn khu vực này làm pháp trường xử án, động là nơi nuôi nhốt hổ báo, dưới chân núi là Ao Giải, vua cho nuôi cá sấu. Những người phạm trọng tội sẽ bị đưa vào động hoặc ném xuống ao để răn đe kẻ khác. Cũng chính tại nơi đây, thái hậu Dương Vân Nga xuất gia tu hành những năm tháng cuối đời. Đến thời nhà Lý, thiền sư Nguyễn Minh Không một lần đi ngang qua động thấy âm khí quá nặng, đã ngày đêm tụng kinh thuyết pháp và cải đặt tên là động Am Tiên. Tiếng kệ kinh của Phật pháp đã dần cảm hóa muông thú đồng thời hóa giải cho linh hồn của các tử tù, cũng từ đó nơi này trở nên thanh tịnh.
Động Am Tiên gắn liền với tên tuổi của những nhân vật lịch sử buổi đầu dựng nước ở thế kỷ X, đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1998. Ngày nay, di tích được trùng tu tôn tạo và trở thành một điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.