Hội quán Phúc Kiến hay còn gọi Hội quán Phước Kiến ở Hội An, là một công trình kiến trúc tiêu biểu về hội quán tại khu phố cổ, được xây dựng vào năm 1697, thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo hộ về sông nước, tiền của, con cái. Đây còn là nơi hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến đến Hội An sinh sống.
Tương truyền, tiền thân của Hội quán Phúc Kiến ở Hội An chỉ là một gian miếu nhỏ, thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển phố Hội. Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo với sự đóng góp của hoa kiều Phúc Kiến, hội quán ngày càng trở nên bề thế khang trang, góp phần tô điểm cho diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An thêm phần đặc sắc.
Tổng thể hội quán mang vẻ tráng lệ, uy nghiêm trong một không gian rộng lớn và linh thiêng. Bên trong trang trí các họa tiết chạm trổ hoa lá, chim muông rất sinh động và tinh xảo. Kiến trúc Hội quán Phúc Kiến theo kiểu chữ “Tam” với thứ tự: cổng - sân - hồ nước - cây cảnh - hai dãy nhà Đông và Tây - chính diện - sân sau - và hậu điện.
Chính điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, 3 bà chúa sanh thai, 6 vị tiền hiền (lục tánh) và 12 bà mụ, theo tín ngưỡng dân gian là những người mang lại hình hài và bảo trợ trẻ sơ sinh. Tương truyền, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã xin được con sau khi cúng viếng các bà. Bên trong còn có nhiều tượng thờ, trống đồng, chuông đồng, lư hương lớn, cùng 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác. Thông qua cách bài trí thờ phụng và tín ngưỡng, Hội quán Phúc Kiến tại Hội An còn thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người.
Năm 1990, Hội quán Phúc Kiến Hội An đã được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch)... tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham dự. Riêng ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, người Hoa ở Hội An còn có lễ cúng thần tài cũng được tổ chức tại Hội quán Phúc Kiến với nhiều lễ vật như vàng bạc, tiền giấy, rượu, tam sên (cua, trứng luộc và thịt heo luộc)...