Đến với khu di chỉ Óc Eo bạn sẽ có cơ hội được tham quan, tìm hiểu và khám phá về nền văn minh cổ xưa nơi đã từng gắn liền với vết tích của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh của vùng Đông Nam Á cách ngày nay khoảng hai nghìn năm.
Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng núi Sập – Ba Thê – huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang, từng là nơi gắn liền với vết tích của vương quốc Phù Nam, là một quốc gia hùng mạnh của vùng Đông Nam Á cách ngày nay khoảng hai nghìn năm.
Nền văn hóa Óc Eo được hình thành và phát triển mãnh ở khu vực đồng bằng Nam Bộ trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công Nguyên. Vào khoảng đầu Công Nguyên, Óc Eo từng là một cửa biển thông qua với vịnh Thái Lan. Khu vực này nằm trên trục đường thương mại hàng hải giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ, một bên là sông Mê Kông và Trung Quốc. Do đó, nơi đây đã trở thành một địa điểm trung chuyển khá thuận lợi giữa các khu vực.
Đến thế kỷ 6 – 7, khi những thương thuyền đã được cải tiến có thể di chuyển ngoài khơi xa và khoảng cách lớn hơn mà không cần phải dừng lại khắp nơi hay đi dọc theo bờ biển. Chính vì thế, Óc Eo đã mất dần vị thế của mình, sức thu hút giảm dần vì hàng hóa không còn phong phú như trước. Từ đó nền văn hóa Óc Eo đã dần bước vào thời kỳ suy sụp khi nước Chân Lạp đang bắt đầu trỗi dậy cùng với đó là sự phát triển thương mại vùng sông Mê Kông.
Vào thập niên 1920, khi nhà khảo cổ học Louis Malleret (người Pháp) đã dùng không ảnh (tức chụp hình từ trên không) chụp miền Nam Việt Nam. Khi bay qua ngang núi Ba Thê ông đã phát hiện ra khu vực quanh chân núi Ba Thê có nhiều khả năng đang ẩn chứa các di chỉ của một nền văn hóa cổ.
Đến năm 1944, Malleret đã cho tiến hành khai quật khảo cổ và bước đầu phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ cùng nhiều hiện vật như: hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức được chế tác tinh xảo… Khu vực tìm thấy hiện vật có diện tích đến khoảng 4.500ha. Những kết quả nghiên cứu cho thấy vùng Nam Bộ hơn ngàn năm về trước đã từng có sự hiện diện vương quốc Phù Nam vốn được ghi chép nhiều qua các thư tịch cổ người Trung Hoa.
Khu di chỉ Óc Eo mang giá trị lịch sử to lớn và hàng năm thu hút không ít lượng du khách và nhiều nhà nghiên cứu đến tham quan và tìm hiểu. Tên gọi “Óc Eo” ban đầu được dùng để chỉ cấu trúc hình chữ nhật trong khu vực nhưng sau đó Malleret lại dùng để chỉ toàn bộ khu vực. Những nghiên cứu khảo cổ sau này cũng cho thấy không gian của văn hóa Óc Eo được tìm thấy ở nhiều ở các khu vực như: Núi Sam – Lò Mo (An Giang), Nền Chùa – Cạnh Đền – Mốp Văn… (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp).
Thời gian sau này các nhà khảo cổ Việt Nam và quốc tế đã tiếp tục khai quật và nghiên cứu thêm hàng loạt di tích xung quanh khu vực núi Ba Thê và cũng đã phát hiện thêm những di chỉ, di vật quý giấ như: các loại tượng to nhỏ, nhẫn, hoa tai, hạt đá quý, mã não, hạt thủy tinh, con dấu, bùa đeo, cộng cụ bằng đồng và bằng đá… Bên cạnh đó còn có các hiện vật được làm bằng đất nung như: bếp lò, đĩa đèn, dọi xe sợi, chậu, nồi, vò…
Những thực thể và các di chỉ khảo cổ này được xếp thuộc nền văn hóa Óc Eo, do đây là nơi phát hiện đầu tiên và có nhiều di chỉ đặc trưng, tiêu biểu nhất của nền văn minh Phù Nam. Hiện này, khu di chỉ Óc Eo không những đón nhận nhiều nhà khảo cổ đến nghiên cứu, tìm hiểu mà còn thu hút rất nhiều du khách từ trong và ngoài nước đến tham quan.