Nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, ngọn tháp Chăm cổ kính vươn cao sừng sững nổi bật hẳn giữa khung cảnh xanh thẫm màu cây cối và màu trời phía đỉnh núi Nhạn.
Truyền thuyết Tháp Nhạn Tuy Hòa
Tương truyền, thuở ấy quân của ông Phù Già (tức Lương Văn Chánh) giao tranh với quân Chăm (Chiêm Thành), chiến trường diễn ra ở phần đất thành phố Tuy Hoà ngày nay. Quân của ông Phù Già đóng ở núi Nựu, quân Chăm đóng ở núi Nhạn. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, bất phân thắng bại.
- Để tránh thêm tổn thất, hai bên giao ước với nhau sẽ cùng xây tháp, bên nào hoàn thành trước thì thắng cuộc, còn bên thua phải tự động rút quân khỏi Phú Yên. Hai địa điểm được hai bên lựa chọn là: quân Chăm trên núi Nhạn, quân ông Phù Già trên núi Cổ Rùa, một phần nhô ra của núi Nựu.
Quân Chăm dốc toàn sức lực ngày đêm xây đắp, nhưng đến khi hoàn thành thì ngọn tháp của quân ông Phù Già cũng đã xây xong, hai bên vẫn khó phân định thắng thua. Sau đó, quân ông Phù Già thách quân Chăm đốt tháp, tháp bên nào cháy trước thì bên đó thắng cuộc và bên kia phải rút binh. Tháp của quân ông Phù Già chỉ sau một đêm đã cháy sạch trong khi ngọn tháp trên núi Nhạn vẫn đứng sừng sững một góc trời. Bên Chăm thua, phải rút quân qua khỏi đèo Cả.
Đôi nét lịch sử Tháp Nhạn Tuy Hòa
Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 11, đầu thế kỷ 12. Đến thời kỳ chiến tranh (1945-1954) tháp bị hư hại một số phần. Năm 1960, tỉnh Phú Yên cho tu bổ tháp, hàn gắn những chỗ bị nứt bên trong và ngoài tháp. Năm 1988, Tháp Nhạn đã được công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Kiến trúc Tháp Nhạn Tuy Hòa
Tháp Nhạn được xây dựng trên một khu đất tương đối bằng phẳng, nằm gần đỉnh núi Nhạn. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, theo mô típ tầng trên là hình dáng thu nhỏ của tầng dưới. Tháp cao gần 24m, mỗi cạnh chân tháp dài 10m.
- Nóc của tháp Nhạn gồm nhiều lớp xếp, phần chóp được cấu tạo bằng phiến đá nguyên tảng có hình búp sen cân đều, đó là biểu tượng Linga của người Chăm. Trên đỉnh tháp, bốn mặt đều có bốn cửa sổ giả, tách biệt giữa phần trên và phần dưới.
- Cửa chính của tháp Nhạn quay mặt về hướng đông, hình vòm, xây cuốn theo kiểu giật cấp, trụ và xà ngang của cửa là khối đá vôi mềm, dễ đẽo gọt, đục chạm. Mặt tường tháp không trang trí nhiều, góc tháp chỉ có một vài hoa văn hình rồng được chạm khắc cách điệu bằng đá hoa cương.
- Bên trong tháp Nhạn, tường xây thẳng đứng cao vút từ phần đế cho đến hết phần thân tháp. Càng lên cao, tường càng thu nhỏ dần, tạo thành hình chóp nón. Lòng tháp không có bệ thờ hay tượng, chỉ có một am nhỏ phía trước để thờ bà Chúa Thiên Y A Na được xây dựng từ thời Hậu Lê.
Vật liệu xây dựng tháp Nhạn đều bằng gạch nung với nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo vị trí của từng mảng tường, từng tầng tháp và được xếp liền khít, không thấy mạch hồ song kết dính rất vững chắc. Những hàng gạch bên trên hơi lùi vào so với hàng gạch bên dưới cho đến khi khép kín vòm.
Với sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, đã tạo cho tháp dáng vẻ thanh thoát và thẩm mỹ. Dù trải qua bao năm tháng, tháp Nhạn vẫn sừng sững đứng đó như một chứng nhân lịch sử, lúc trầm mặc dưới mưa bay, khi rực rỡ trong ánh chiều tà, hay lung linh khi màn đêm buông xuống.
Du lịch Tháp Nhạn Tuy Hòa
Đến tham quan tháp Nhạn là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc Chăm cổ kính, hiểu hơn về một nền văn hóa còn ẩn chứa nhiều bí ẩn. Và khi đứng trên đỉnh núi Nhạn, bạn còn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, cùng dòng sông Đà Rằng uốn khúc, núi non trập trùng xa xa.
- Ngoài ra, vào các dịp lễ tết hàng năm, khu vực tháp Nhạn thường được chọn để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí. Điển hình, vào các ngày 21-22-23 tháng 3 âm lịch, nơi đây tổ chức Lễ hội vía Bà nhằm tưởng nhớ công ơn của Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã cứu dân độ thế. Đặc biệt vào rằm tháng Giêng âm lịch, tháp Nhạn sẽ diễn ra Hội thơ Nguyên tiêu, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và du khách gần xa về dự.