Lên Mù Cang Chải, hãy dừng chân tại lưng đèo Khau Phạ để ngắm thung lũng Cao Phạ bát ngát trong màu lúa, bốn bề là núi giăng thành, những dãy núi uy nghi và tráng lệ như ý nghĩa của chính cái tên Khau Phạ - “Sừng Trời”. Đứng từ bên đèo, theo tầm mắt thẳng phía trước, thấy một con đường như sợi chỉ mỏng vắt thẳng lên trời. Nơi xa tít tắp ấy có ngôi làng nhỏ mang tên Lìm Mông.
Đường vào Lìm Mông phải vượt qua bản người Thái nằm gần suối Nậm Có, theo đúng tập tục định cư và sinh sống của người Thái, ở gần nguồn nước. Những ngôi nhà sàn bản Lìm Thái nằm rải rác bên đường, nhất là đoạn đã bêtông hóa.
Nhưng ở bên kia con suối đi lên bản Lìm Mông vẫn là con đường đất đỏ, sống trâu, sống ngựa nhập nhằng. Con đường đất đỏ, bụi mờ trong nắng khô. Những góc cua vừa gắt vừa dốc đến mức sẽ khiến chiếc xe máy của du khách như muốn trôi tuột lại phía chân dốc. Vào ngày mưa hẳn sẽ là một thách thức đáng sợ cho các tay lái, dù xe có đi số 1 nhưng vẫn chỉ dền dứ mà xoay tít quay vòng vì trơn trượt. Còn 4km nữa mới đến bản Lìm Mông cao cao, du khách muốn lên bản thì cũng phải đành để lại những chiếc xe máy lấm lem bùn đất nơi đầu dốc mà đi bộ ngược lên.
Đến mùa lúa, người ta sẽ ngẩn ngơ trước một vẻ đẹp không hai của những cánh đồng bậc thang, những thành quả lao động tuyệt vời của bà con dân tộc Mông suốt một năm trời. Hương lúa mới dịu ngọt như xua tan cái nắng hanh khô gay gắt. Những cánh lúa dài, trĩu hạt, xanh mướt. Lúa cấy một mùa đang mang trên mình tấm áo của trù phú và ấm no.
Vào buổi chiều, Lìm Mông trở nên thơ mộng và đẹp lạ thường, đặc biệt là vào mùa gặt. Những đám mây nối đuôi nhau ngả màu hồng nhạt nơi cuối chân trời. Đàn chim bay mải miết trên những cánh đồng óng ả, mênh mông của mùa gặt hái. Lũ chim sẻ rinh rích trên mái nhà, nơi lúc lỉu những trái bí đỏ đã chín ửng. Gió xào xạc những sóng lúa vàng, lúa xanh dập dờn thoảng hương. Lũ trẻ í ới gọi nhau đưa trâu về nhà. Con đường nghiêng bóng vai gầy của những cô gái người Mông địu con về bản.